Phân biệt các loại Chất béo

Đăng vào ngày

Chất béo là một trong 4 nhóm thực phẩm chính cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày [Chất đạm (Protein), Chất béo (Lipid), Chất bột đường(Tinh bột/Glucid/Carbohydrate), Vitamin và chất khoáng)]. Tuy nhiên, khi nhắc đến chế độ ăn uống, những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì, mỡ trong máu, bệnh tim mạch, huyết áp,… lập tức chất béo bị kết tội là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề trên, nhưng không tất cả chất béo đều như vậy.. Chất béo cũng có nhiều loại:

  • Chất béo bão hòa (Saturated Fat): Là chất béo có nguồn gốc từ động vật, có nhiều trong mỡ động vật, bơ, sữa, pho-mát,… giá trị sinh học của chất béo bão hòa được xem là kém hơn so với chất béo không bão hòa, nó làm tăng lượng Cholesterol xấu trong máu (LDL), tác dụng không tốt đối với chuyển hóa mỡ, chức năng và tình trạng gan, và cả vai trò trong phát triển bệnh xơ vữa động mạch. Loại này được xem là không độc hại, nhưng cần hạn chế.
  • Chất béo không bão hòa (Unsaturated Fat): Là chất béo có nguồn gốc từ thực vật, hiện diện nhiều trong các loại dầu thực vật, acid béo không bão hòa tạo điều kiên tốt để đào thải Cholesterol xấu ra ngoài cơ thể, và có tác dụng tốt trong điều hòa thành mạch máu, đề phòng nhồi máu cơ tim và các rối loạn của hệ thống tim mạch. Được xem là tốt nhất trong nhóm chất béo.
  • Chất béo chuyển hóa (Trans Fat): Chủ yếu là acid béo nhân tạo, là loại dầu thực vật đã được Hydro hóa, làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL) và làm giảm Cholesterol tốt (HDL), tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn, bệnh tim mạch, đột quỵ, kháng insnulin gây bệnh đái tháo đường. Chất béo này thường được thấy trong thức ăn nhanh, đồ chiên, bánh kem,… và được ví như “lâu đài của độc tố gây bệnh tật”.

VAI TRÒ CỦA CHẤT BÉO TRONG CƠ THỂ:

  • Cung cấp năng lượng: Là chất dự trữ năng lượng và cung cấp năng lượng rất cao cho cơ thể, gấp 2,5 lần so với Protein và Glucid.
  • Duy trì nhiệt độ cơ thể, bảo vệ các cơ quan trong cơ thể: Có tác dụng giữ nhiệt, giúp ích cho việc chống rét, đồng thời còn có tác dụng tách nhiệt, làm cho lượng nhiệt đã hấp thu vào từ bên ngoài không truyền dẫn vào bên trong cơ thể.
  • Thúc đẩy việc hấp thu các Vitamin tan trong chất béo: Vitamin A, D, E, K không tan trong nước mà tan trong chất béo, lipid sẽ giúp thúc đẩy sự hấp thụ chúng tốt nhất.
  • Làm tăng cảm giác no bụng: Lipid được giữ trong dạ dày tương đối lâu, sẽ tạo cảm giác nhanh no và lâu đói một cách tự nhiên, vì vậy không cần “tuyệt giao” chất béo trong khẩu phần ăn của người ăn kiêng, mà hãy dùng 1 lượng thích hợp, vừa đủ với nhu cầu cơ thể.
  • Nâng cao giá trị cảm quan của thức ăn: Lẽ hiển nhiên khi các món ăn chiên, xào thường được ưu ái hơn các món khác, bởi thức ăn có Chất béo làm dậy lên mùi vị của món ăn, giúp thơm, ngon hơn.

NHU CẦU CHẤT BÉO CỦA CƠ THỂ:

Lượng chất béo hàng ngày trên các nước rất khác nhau. Nhiều nước Châu ÂU, Bắc Mỹ sử dụng hơn 150g chất béo hàng ngày (theo đầu người). Trong khi đó, ở các nước Châu Á, Châu Phi lượng chất béo không quá 15 – 20g/người/ngày.

Nhu cầu chất béo còn phụ thuộc theo độ tuổi, tính chất lao động, đặc điểm dân tộc và khí hậu. Ở xứ lạnh, tỷ lệ calo chất béo chiếm khoảng 35% tổng số calories của khẩu phần ăn, ở vùng ôn đới, xứ nóng là 15 – 20%.

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên